Trang Chủ » Bệnh chàm cơ địa » Hướng điều trị chàm bội nhiễm ở trẻ em bố mẹ cần nắm rõ
Hướng điều trị chàm bội nhiễm ở trẻ em bố mẹ cần nắm rõ
Điều trị chàm bội nhiễm ở trẻ em tương đối dai dẳng bởi đây là dạng bệnh phức tạp hơn so với các dạng chàm thông thường. Do đó, khi trẻ bị chàm bội nhiễm, bố mẹ cần phải nhận diện sớm và điều trị kịp thời, đúng hướng để giúp cho tình trạng bệnh tiến triển tốt hơn, tránh để bệnh dai dẳng và khó chữa.

I. Bệnh chàm bội nhiễm ở trẻ em là gì?
Bệnh chàm bội nhiễm về cơ bản vẫn là bệnh chàm với những ảnh hưởng lên lớp biểu bì trên da của trẻ. Tuy nhiên đây là giai đoạn nặng, bệnh chàm đã có xu hướng dễ viêm nhiễm và có nguy cơ xuất hiện nhiều biến chứng. Về cơ bản chàm bội nhiễm không khác nhiều so với bệnh chàm thông thường ở trẻ nhưng mức độ nguy hiểm và rủi ro cao hơn nên có một số khác biệt nhất định trong điều trị bệnh.
Đối tượng chính của bệnh chàm bội nhiễm là trẻ em từ sơ sinh cho đến dưới 6 tuổi. Bệnh chàm khi mới khởi phát dễ nhầm lẫn với một số triệu chứng thông thường như rôm sảy, mẩn ngứa,… do đó chậm trễ trong điều trị hoặc điều trị không đúng cách, khiến bệnh chuyển sang giai đoạn bội nhiễm.
Khi bệnh chàm chuyển sang dạng chàm bội nhiễm thường dễ tái phát, lặp đi lặp lại. Một số trường hợp chàm có thể biến mất vào tuổi trường thành nhưng cũng có không ít trường hợp chàm kéo dài cho đến khi trẻ bước vào tuổi trưởng thành.
II. Nguyên nhân gây ra chàm bội nhiễm ở trẻ
Chàm bội nhiễm là dạng tiến triển nặng của bệnh chàm ở trẻ em. Do đó những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chàm bội nhiễm thường có liên quan đến một số yếu tố làm nặng thêm tình trạng bệnh chàm như:
1. Hệ thống miễn dịch
Một số trẻ có hệ thống miễn dịch ngoài da không được khỏe mạnh khiến cho khả năng chống lại các yếu tố có hại cũng yếu đi. Khi những trẻ này mắc bệnh chàm nếu không được chăm sóc đúng cách sẽ dễ dẫn đến tình trạng bệnh chàm tiến triển nặng hơn, chuyển sang giai đoạn chàm bội nhiễm.
2. Yếu tố cơ địa
Những bé có cơ địa da khô, da quá mẫn, dễ kích ứng sẽ có nguy cơ bị chàm bội nhiễm cao hơn so với những trẻ khác. Đa số cấu trúc da của những trẻ có da khô thường bị thiếu một số dưỡng chất, đặc biệt là lipid. Do đó đây là điều kiện thuận lợi để bùng phát và tiến triển nhiều bệnh ngoài da. Nguy cơ này càng cao hơn nếu da bé không được chăm sóc tốt.
3. Yếu tố di truyền
Ở những trẻ bị chàm bội nhiễm, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên quan của bệnh với các yếu tố di truyền. Một số thống kê cho thấy có khoảng 1/2 số trẻ mắc bệnh chàm bội nhiễm có bố, mẹ hoặc cả bố và mẹ cùng mắc bệnh này hoặc mắc một số dạng bệnh ngoài da khác.

4. Yếu tố kích ứng
Đây là yếu tố dễ gây ra các bệnh ngoài da, trong đó có bệnh chàm. Đặc biệt là những yếu tố có liên quan đến các chất tiếp xúc với da, các yếu tố thời tiết, lông của các loại động vật, các chất liệu quần áo,… Không chỉ gây ra bệnh chàm, các yếu tố kích ứng này còn có thể khiến cho tình trạng bệnh nặng hơn, dẫn đến chàm bội nhiễm.
5. Yếu tố vệ sinh
Đây là yếu tố không chỉ gây ra bệnh chàm mà còn có thể dẫn đến nhiều bệnh ngoài da khác. Ở trẻ nhỏ, nếu vệ sinh không đảm bảo sẽ rất dễ bùng phát bệnh vì hệ miễn dịch còn kém. Khi đã mắc bệnh chàm, nếu yếu tố vệ sinh không đảm bảo cũng có thể gây ra tình trạng bệnh chàm tiến triển thành chàm bội nhiễm ở trẻ em.

III. Dấu hiệu nhận biết chàm bội nhiễm ở trẻ em
Bệnh chàm bội nhiễm bùng phát chủ yếu trên nền bệnh chàm sẵn có và thường có một số dấu hiệu để nhận biết bao gồm:
- Xuất hiện chàm bội nhiễm trên vùng cổ và tại một số vị trí khác trên cơ thể bé, trên nền thương tổn do bệnh chàm đã có trước đó.
- Các nốt mẩn đỏ có sẵn trên da do bệnh chàm sẽ chuyển sang nổi mụn nước chứa dịch tiết bên trong.
- Có thể xuất hiện các vết lở, vết loét có bội nhiễm sau khi các mụn nước này đã vỡ, trên nền da của bé cũng bắt đầu xuất hiện những vảy tiết đóng lại thành từng mảng do dịch tiết rỉ ra.
- Một số trường hợp tình trạng bội nhiễm ở trẻ có thể lan rộng trên da, đôi khi lan rộng toàn thân.
- Trong thời gian chàm bội nhiễm xuất hiện có thể kèm theo các triệu chứng sốt.
- Nếu chàm bội nhiễm được khống chế, da của bé có thể khô lại, các vảy tiết dịch đóng vảy vàng có thể dần bong tróc và làm cho da dày lên.

Bệnh chàm bội nhiễm ở trẻ em có nguy hiểm không?
So với chàm thông thường, bệnh chàm bội nhiễm có mức độ nguy hiểm cao hơn bởi đây không còn là một bệnh ngoài da thông thường mà tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng. Bệnh đặc biệt nguy hiểm nếu tình trạng bệnh chuyển sang nhiễm trùng máu, sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe của bé.
Khi nào cần đến bác sĩ?
Chàm bội nhiễm là mức độ nặng của bệnh chàm nên không được chần chừ trong khám và điều trị. Bố mẹ nên đưa bé đi thăm khám với bác sĩ nếu tình trạng bệnh chàm của bé bắt đầu có dấu hiệu nặng bởi rất có khả năng bệnh đã chuyển sang bội nhiễm. Bác sĩ có thể lấy mẫu dịch tiết hoặc mẫu da của bé, từ đó có thể xác định mức độ bệnh chàm bội nhiễm. Sau khi thăm khám, bác sĩ có thể kê toa loại thuốc thích hợp dựa tùy theo tình trạng của trẻ.
Không nên chủ quan, chần chừ trong thăm khám bệnh chàm bội nhiễm bởi điều trị càng muộn, mức độ hiệu quả càng thấp, tình trạng bệnh cũng sẽ kéo dài dai dẳng, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và tình trạng da của bé.
IV. Hướng điều trị bệnh chàm bội nhiễm ở trẻ
1. Điều trị bằng thuốc Tây
Các loại thuốc Tây là nhóm thuốc điều trị chính đối với bệnh chàm bội nhiễm ở trẻ. Mục tiêu chính trong điều trị bệnh chàm ở giai đoạn bội nhiễm là tập trung vào diệt khuẩn, chống nhiễm, đẩy lùi các triệu chứng chàm bội nhiễm. Tùy theo tình trạng bệnh, mục đích điều trị mà có thể sử dụng các nhóm thuốc chuyên biệt như:
Nhóm thuốc kháng sinh
Đây là nhóm thuốc thường dùng nhất cho bệnh chàm bội nhiễm ở trẻ và một số bệnh ngoài da có nhiễm trùng khác. Tác dụng chính của thuốc là chống viêm, sát khuẩn, giảm tình trạng lở loét, viêm sưng da.
Tùy theo những trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ có chỉ định riêng về loại thuốc, liều dùng, thời gian sử dụng cho phù hợp. Thông thường, một số loại thuốc thường được chỉ định trong nhóm này gồm có:
- Nhóm thuốc kháng sinh cephalosporin (Cefazolin, Cephalexin, Cefadroxil, Cephalothin,…), thường là dạng uống
- Thuốc Amoxicillin chống nhiễm khuẩn dạng uống.
- Thuốc Milian dạng dung dịch bôi ngoài da.
- Thuốc xanh metylen bôi ngoài da.
Nhóm thuốc corticosteroid
Nhóm thuốc corticosteroid phổ biến nhất là các thuốc bôi ngoài da, giảm thương tổn trên da. Tác dụng chính của các loại thuốc corticosteroid là cải thiện thương tổn da như lở loét, bong tróc đồng thời giúp hạn chế tình trạng nhiễm khuẩn.
Nhóm thuốc chống ngứa
Các loại thuốc chống ngứa thường được sử dụng song song với các loại thuốc điều trị chính để giúp làm giảm cảm giác ngứa ngáy, khó chịu. Những loại thuốc chống ngứa phổ biến thường dùng cho trẻ gồm có:
- Phenergan.
- Chlorpheniramin.
- Théralèn.

2. Các biện pháp tự nhiên
Các biện pháp tự nhiên này thường được áp dụng song song với các phương pháp điều trị chính. Tác dụng của các biện pháp tự nhiên là giảm ngứa, cải thiện triệu chứng khô da và giúp cho bé cảm thấy dễ chịu hơn. Có một số biện pháp tự nhiên có thể áp dụng bao gồm:
Dùng bột yến mạch
Bột yến mạch chứa nhiều vitamin B, các amino acid. Đây là thành phần rất tốt để nuôi dưỡng làn da, tăng cường sức đề kháng và giúp da khỏe mạnh, cải thiện ngứa ngáy do chàm bội nhiễm. Cách dùng bột yến mạch khá dễ dàng, bạn có thể cho bột yến mạch và muối hòa cùng với nước tắm để ngâm rửa toàn thân, giúp giảm ngứa ngáy khó chịu cho cho trẻ.

Tinh dầu trà
Tinh dầu trà (Tea Tree Oil) chiết xuất từ cây trà Úc (Melaleuca alternifolia) có đặc tính kháng viêm, kháng khuẩn khá tốt, đồng thời còn giúp cải thiện nhiều vấn đề ngoài da khác cho bệnh nhân. Có thể dùng một lớp mỏng tinh dầu trà trên vùng da bị ảnh hưởng bởi bệnh chàm bội nhiễm để giúp cải thiện các triệu chứng khó chịu.

Dùng dầu dừa
Đây là một trong những giải pháp thường được sử dụng để giúp kháng viêm, kháng khuẩn, chống nhiễm trùng cho bé do trong dầu dừa có một lượng lớn vitamin E, nước và các chất chống oxy hóa. Bạn có thể vệ sinh da sạch sẽ và thoa một lớp mỏng dầu dừa lên vị trí chàm bội nhiễm để cải thiện khó chịu.

*Lưu ý: không dùng các biện pháp kể trên cho bệnh chàm bội nhiễm đối với các trường hợp chàm bội nhiễm ở trẻ đang có dấu hiệu loét, có vết thương hở tại vị trí bị chàm. Ngoài ra các biện pháp tự nhiên chủ yếu có tác dụng hỗ trợ điều trị, không thay thế cho các thuốc điều trị chính do đó không lạm dụng các phương pháp này để thay cho thuốc điều trị.
V. Lưu ý khi trẻ bị bệnh chàm bội nhiễm
Với những trẻ mắc bệnh chàm bội nhiễm, việc chăm sóc đúng cách có vai trò rất quan trọng, giúp cho tình trạng bệnh sớm được cải thiện, việc điều trị thuận lợi:
- Cần chú ý giữ ẩm cho da của bé, tránh tình trạng da bị khô vì sẽ làm cho tình trạng bệnh chàm tiến triển nặng hơn. Có thể áp dụng các biện pháp dưỡng ẩm như các loại kem dưỡng để giúp cải thiện tình trạng này.
- Vệ sinh các vật dụng của trẻ thường xuyên, đặc biệt là các vật dụng tiếp xúc trực tiếp với da như quần áo, chăn mền,…
- Giữ vệ sinh nhà cửa cũng như xung quanh nơi ở để tránh các yếu tố ảnh hưởng xấu đến sức khỏe làn da của bé.
- Đối với các loại sản phẩm chăm sóc da cần lựa chọn loại dành riêng cho bé để tránh dị ứng, mẫn cảm.
- Chọn các loại trang phục nhẹ nhàng, thấm hút tốt để không ảnh hưởng xấu đến da của bé.
Bệnh chàm bội nhiễm thường nặng hơn so với các dạng chàm thông thường, đặc biệt dễ biến chứng. Đối với bệnh chàm bội nhiễm ở trẻ nhỏ lại càng nguy hiểm hơn, vì vậy bố mẹ cần hết sức lưu ý điều trị sớm và đúng cách để tình trạng bệnh sớm được cải thiện, tránh bệnh dai dẳng, kéo dài và khó chữa. Chúc bố mẹ có những thông tin hữu ích để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho gia đình mình.
Một số thông tin hữu ích về bệnh chàm ở trẻ
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!