Trang Chủ » Bệnh Viêm Da » BỆNH VIÊM DA TIẾP XÚC » Cách điều trị viêm da tiếp xúc do côn trùng (Có hướng dẫn và phác đồ)
Cách điều trị viêm da tiếp xúc do côn trùng (Có hướng dẫn và phác đồ)
Xử lí và điều trị viêm da tiếp xúc do côn trùng ở nước ta hiện nay vẫn còn lạ lẫm với nhiều bệnh nhân mặc dù đây là bệnh khá phổ biến ở các nước có nền nhiệt cao, khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều như nước ta. Xử trí đúng cách khi bị viêm da tiếp xúc giúp đảm bảo sức khỏe và tránh bệnh tiến triển nặng, kéo dài.
Theo Cục Y tế dự phòng, tình trạng bệnh viêm da tiếp xúc do côn trùng đặc biệt phổ biến ở một số khu vực nông thôn, vùng ven thành phố, khu đô thị mới,… các khu vực có nhiều đất trống, bãi cỏ. Đây là điều kiện thích hợp cho các loại côn trùng hoạt động, trong đó có nhiều loại gây ảnh hưởng đến da. Vì thế cần trang bị những kiến thức về phòng tránh và điều trị các bệnh liên quan đến những loại côn trùng này.

I. Viêm da tiếp xúc do côn trùng là gì?
Viêm da tiếp xúc do côn trùng (Insect dermatitis) là một dạng nhỏ của bệnh viêm da tiếp xúc. Bệnh nhân mắc bệnh này có các phản ứng cấp trên da xảy ra sau khi tiếp xúc với các loại côn trùng. Mặc dù không nguy hiểm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng bệnh cũng gây ra một loạt khó chịu cho bệnh nhân.
Những loại côn trùng nào có thể gây viêm da tiếp xúc?
Theo thống kê của Viện sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TPHCM, một số loại côn trùng có thể gây viêm da tiếp xúc gồm có:
- Kiến ba khoang (Paederus fuscipes Curtis)
- Bướm đục thân lúa (Tryporyza)
- Bù mắt (fruit fly)
- Sâu Meloidae
- Con giời (Myriapoda)
- Rết
Trong các loại côn trùng này có thể tiết ra một số chất độc như pederin, cantharidin, phosphor,… ảnh hưởng đến da. Một số loại côn trùng khi tiếp xúc với da có thể gây viêm da tiếp xúc, một số loại khác thường có phản ứng sau khi bạn có những hành động theo phản xạ như đập, chà xát, quệt,… làm cho chất độc bên trong côn trùng tiết ra ngoài da.

II. Nhận biết dấu hiệu viêm da tiếp xúc do côn trùng
Các biểu hiện của viêm da tiếp xúc do côn trùng tương đối dễ nhận biết. Theo Bệnh viện Da liễu Hà Nội, vào những đợt bùng phát viêm da tiếp xúc do côn trùng, số ca mắc bệnh này chiếm khoảng 1/4 tổng số lượt bệnh nhân khám và điều trị.
Hầu hết bệnh nhân đều có những dấu hiệu điển hình như:
- Ngứa ngáy xuất hiện trên da sau khi tiếp xúc với côn trùng khoảng vài phút
- Vùng da tiếp xúc có dấu hiệu bị phồng rộp, đỏ ửng, có thể kéo dài do côn trùng di chuyển trên da
- Da có thể bị đau, rát, đôi khi có mụn nước
- Có dấu hiệu như bỏng da, có thể kèm theo mủ
- Xuất hiện dấu hiệu trợt, loét, hoại tử da nếu điều trị muộn
Thống kê có 80% trường hợp bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc từ 1/2 thân trên lên đến mặt. Ngoài một số biểu hiện ngoài da, nhiều bệnh nhân còn có cảm giác mệt mỏi, sốt nhẹ, đôi khi có sưng hạch. Tùy theo sức khỏe của bệnh nhân, mức độ độc tính của các loại côn trùng mà những triệu chứng cũng có mức độ nặng, nhẹ khác nhau.

III. Điều trị viêm da tiếp xúc do côn trùng theo phác đồ
Đối với bệnh viêm da tiếp xúc do côn trùng, hướng điều trị chủ yếu là điều trị tại chỗ, một số trường hợp có thể điều trị toàn thân tùy theo từng giai đoạn thương tổn. Phác đồ điều trị tham khảo như sau:
1. Điều trị tại chỗ
Giai đoạn sau khi tiếp xúc và vài giờ sau khi tiếp xúc với côn trùng:
- Rửa vết thương với nước muối sinh lý NaCl 0,9% để trung hòa độc tố của côn trùng
- Không kỳ cọ để tránh thương tổn lan và nặng
Đối với vùng da đau rát, ửng đỏ:
- Sử dụng thuốc chống viêm, làm dịu da
- Dùng các loại hồ như hồ nước, hồ Tetra-Pred, mỡ kháng sinh để bôi ngoài da
- Có thể phối hợp bôi corticoid ngoài da dùng 2 – 3 lần mỗi ngày
Đối với vùng da bọng nước, có mủ:
- Dùng dung dịch màu milian chấm ngoài da
- Bôi dung dịch castellani, thuốc tím pha loãng ngoài da từ 1 – 2 lần/ngày
Một số trường hợp viêm da dị ứng do tiếp xúc với côn trùng nhưng ở mức độ nhẹ thì có thể được để khô tự nhiên, vị trí tổn thương sẽ đóng vẩy tiết và khô dần, không cần điều trị. Sau khi điều trị tại chỗ, vết thương lành và bong vảy có thể để lại thâm đen. Sau khoảng 1 – 2 tháng các vết thâm đen này mới mờ dần và biến mất.

2. Điều trị toàn thân
Điều trị toàn thân thường chủ yếu sử dụng kháng sinh uống trong những trường hợp nhiễm trùng lan rộng. Ngoài ra, một số trường hợp ngứa có thể được chỉ định sử dụng thuốc kháng histamine để giảm ngứa, giảm kích ứng da không mong muốn.
Điều trị toàn thân tương đối với viêm da tiếp xúc do côn trùng thường không nhiều. Đa phần những trường hợp viêm da tiếp xúc do côn trùng thường không cần điều trị toàn thân mà chỉ tập trung điều trị tại chỗ tại những vị trí có thương tổn trên da.
Xử lý khi vô tình tiếp xúc với côn trùng
Để hạn chế nguy cơ viêm da tiếp xúc với côn trùng, tốt nhất bạn không nên bắt, giết mà nên thổi nhẹ cho chúng bay khỏi da hoặc đặt tờ giấy cho chúng bò lên và lấy chúng ra. Đây là cách để hạn chế tình trạng chất độc trong các loại côn trùng này lan trên vùng da rộng.
Đối với một số loại côn trùng có độc tính cao, nếu lỡ đập tay hoặc chà xát mạnh vào các loại côn trùng này thì cần xử lý nhanh để hạn chế tình trạng viêm da tiếp xúc lan rộng hoặc tiến triển nặng hơn. Bạn cần nhanh chóng xử lý theo các bước:
- Nhanh chóng rửa sạch vị trí tiếp xúc với côn trùng với nước sạch, hoặc nước muối sinh lý. Có thể rửa dưới vòi nước mạnh
- Nếu tiếp xúc ở tay, cần tránh đưa tay tiếp xúc với các vùng da khác để hạn chế tối đa khả năng lây lan các độc tính của côn trùng làm cho viêm da tiếp xúc lan rộng
- Nếu có cảm giác rát có thể rửa bằng nước muối loãng, xà phòng thông thường sau đó đến bác sĩ da liễu để khám
IV. Hướng dẫn phòng tránh viêm da tiếp xúc do côn trùng
Ở nước ta, viêm da tiếp xúc do côn trùng là một dạng bệnh khá phổ biến vào những thời điểm mưa nhiều, nóng ẩm. Đôi khi bệnh có thể xuất hiện trên diện rộng tạo thành dịch vào một vài thời điểm trong năm hoặc rải rác nhiều đợt bùng phát nhỏ trong năm. Chính vì vậy Cục Y tế dự phòng khuyến cáo bệnh nhân nên lưu ý một số biện pháp phòng tránh như sau:
1. Ngăn các loại côn trùng vào nơi ở của bạn
Nếu nơi sinh sống của bạn gần các bãi cỏ, đồng ruộng, vườn cây, các công trình đang xây dựng có nhiều bãi đất trống, một số bãi rác,… thì cần đặc biệt chú ý phòng tránh các loại côn trùng chui vào nơi ở, nhất là vào mùa mưa, không khí ẩm.
Nên áp dụng một số cách ngăn ngừa sau:
- Hạn chế mở cửa, đặc biệt vào chiều tối, vì nhiều côn trùng ưa sáng sẽ vào nhà bạn theo ánh đèn
- Buông rèm hoặc trang bị cửa lưới ngăn côn trùng

2. Chú ý vệ sinh nhà cửa và các vật dụng thường dùng
Bên cạnh việc áp dụng các biện pháp ngăn ngừa côn trùng chui vào nơi ở, bạn cũng cần cảnh giác, chú ý vệ sinh nhà cửa, khu vực quanh nhà và các vật dụng mà côn trùng dễ ẩn nấp. Bạn nên chú ý một số lưu ý như:
- Có thể phát quang các khu vực cây bụi nếu có thể để tránh các loại côn trùng phát triển
- Quét dọn nhà cửa thường xuyên, đặc biệt chú ý các góc khuất, các chậu cây, rèm cửa, thảm,… những nơi côn trùng có thể ẩn nấp
- Thường xuyên vệ sinh các vật dụng tiếp xúc trực tiếp với da như chăn, drap, gối, khăn mặt, quần áo
- Trước khi ngủ phải kiểm tra chỗ nằm để tránh các loại côn trùng chui vào
- Sau khi phơi quần áo, vật dụng cần giũ mạnh để tránh côn trùng bám vào. Tương tự, bạn cũng nên giũ mạnh trước khi mặc quần áo hoặc lau mặt bằng khăn để tránh tiếp xúc với các loại côn trùng gây hại
3. Áp dụng các biện pháp bảo vệ cơ thể
Vào những thời điểm có nhiều côn trùng gây hại, nhất là khi bước vào mùa dịch, bạn nên áp dụng các biện pháp bảo vệ cơ thể khỏi ảnh hưởng của các loại côn trùng gây hại, bao gồm:
- Hạn chế ra ngoài vào thời điểm đang có dịch vào buổi chiều tối
- Hạn chế đứng dưới bóng đèn nơi công cộng hoặc mở đèn và mở cửa sổ vào buổi tối
- Khi đi ra ngoài, đi làm đồng,… đến những nơi có nhiều côn trùng nên mặc áo dài tay, quần dài, mang khẩu trang và ủng để hạn chế các loại côn trùng tiếp xúc với da
4. Phòng tránh bùng phát thành dịch
Một số khu vực có sự phát triển quá mức của các loại côn trùng gây viêm da tiếp xúc còn có thể bùng phát thành đợt dịch bệnh. Do đó công tác phòng chống tránh bùng phát dịch bệnh rất quan trọng. Tốt nhất, khi thấy sự xuất hiện sự xuất hiện của nhiều côn trùng quanh nơi bạn sinh sống, làm việc nên liên hệ các đơn vị chuyên trách bao gồm:
- Các Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng
- Các Trung tâm Y tế dự phòng địa phương
Thông báo thông tin sớm sẽ giúp các đơn vị phối hợp xử lý tốt hơn, tránh tình trạng bùng phát thành đợt dịch lớn.

Viêm da tiếp xúc do côn trùng là tình trạng không hiếm gặp, đặc biệt là một số mùa nhất định trong năm. Chính vì vậy, việc hiểu rõ về tình trạng bệnh, các bước điều trị, dự phòng là rất quan trọng. Qua một số thông tin trên, hi vọng bạn đã có những kiến thức hữu ích để xử lý hiệu quả nếu không may gặp phải những loại côn trùng khó chịu.
Hiểu thêm về bệnh viêm da dị ứng
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!