Trang Chủ » Bệnh chàm cơ địa » Nhận biết các hình thể lâm sàng của bệnh chàm
Nhận biết các hình thể lâm sàng của bệnh chàm
Chàm là một bệnh da liễu tương đối phức tạp, có nhiều hình thể lâm sàng. Tùy theo tính chất thương tổn, tiến triển của bệnh và theo nguyên nhân sinh bệnh mà các chuyên gia phân loại bệnh chàm thành nhiều hình thể.
Việc phân loại rõ các hình thể lâm sàng của bệnh chàm có vai trò quan trọng, giúp các Y bác sĩ, nhân viên y tế nhận diện chính xác thể bệnh, từ đó đưa ra những hướng can thiệp và điều trị phù hợp nhất để đẩy lùi các triệu chứng bệnh cũng như ngăn ngừa nguy cơ tái phát.

Các hình thể lâm sàng của bệnh chàm
Phân loại các hình thể lâm sàng của bệnh chàm thường dựa vào tính chất của thương tổn, mức độ tiến triển của bệnh hoặc phân loại theo căn nguyên. Mỗi cách phân loại đều có ý nghĩa riêng nhưng nhìn chung đều phục vụ cho công tác chẩn đoán và điều trị bệnh được hiệu quả nhất.
1. Phân loại hình thể lâm sàng theo tính chất thương tổn
Hướng phân loại này chủ yếu dựa vào các dấu hiệu thương tổn biểu hiện cụ thể trên da của bệnh nhân. Theo hướng phân loại này, chàm được chia thành 3 dạng chính như sau:
Chàm đỏ:
- Da của bệnh nhân có dấu hiệu đỏ sẫm. Quan sát có dấu hiệu gần giống như là xuất huyết.
- Chàm đỏ thường hay xuất hiện tại cẳng chân.
- Tình trạng chàm đỏ còn có thể kèm theo mụn nước nhỏ, có thể chảy nước vàng.

Chàm dạng bọng nước:
- Biểu hiện chính là bọng nước trên vùng da bị chàm, các bọng nước này thường có kích thước khoảng 1 mm.
- Các vị trí lòng bàn tay, chân và những vùng da dày trên cơ thể là các vị trí dễ xuất hiện bọng nước nhất.

Chàm có sẩn:
- Tại vị trí chàm da có các sẩn nền nổi cao.
- Các sẩn này khi quan sát giống thường có dấu hiệu tập trung thành từng đám.
2. Phân loại hình thể lâm sàng theo tiến triển của bệnh
Theo tiến triển của bệnh chàm, các chuyên gia thường chia làm 5 dạng chính bao gồm: chàm dạng cấp, chàm bán cấp, chàm mạn tính, chàm bội nhiễm, chàm hóa da.
Chàm cấp (acute):
- Có dấu hiệu nền da đỏ.
- Da bị phù, sưng.
- Chảy nước nhiều tại vị trí bị chàm.

Chàm bán cấp:
- Da của bệnh nhân vẫn còn dấu hiệu ửng đỏ.
- Da có dấu hiệu ít phù nề, hết chảy nước.
Chàm mạn (chronic):
- Bệnh chàm cấp tính nếu tiến triển dai dẳng thì sẽ bắt đầu chuyển thành mạn tính.
- Biểu hiện da ửng đỏ, có vảy ngứa, thỉnh thoảng lại chảy nước.
- Nếu tình trạng bệnh chàm tồn tại lâu, bệnh nhân gãi nhiều sẽ chuyển thành lichen hóa. Da bắt đầu dày lên, nếp da sâu xuống và khó phục hồi.

Chàm bội nhiễm:
- Các loại vi khuẩn xâm nhập vào vị trí bệnh chàm.
- Da xuất hiện các mụn mủ, loét trợt.
- Một số trường hợp có xuất hiện vảy vàng, vảy chốc.
Chàm hóa:
Dạng bệnh này thường do các bệnh ngoài da khác điều trị không hiều quả, từ đó chuyển sang bệnh chàm. Các dấu hiệu chàm hóa tương tự như một số dạng chàm thông thường.
3. Phân loại hình thể lâm sàng theo căn nguyên
Bệnh chàm có khá nhiều nguyên nhân, do đó phân loại hình thể lâm sàng của bệnh chàm theo căn nguyên có thể giúp các bác sĩ có những hướng can thiệp phù hợp dựa theo từng nguyên nhân cụ thể. Phân loại hình thể lâm sàng của bệnh chàm theo nguyên nhân gồm có một số dạng sau:
Chàm thể tạng:
Là dạng bệnh liên quan chủ yếu đến yếu tố thể tạng, cơ địa của bệnh nhân và yếu tố di truyền. Ngoài ra chàm thể tạng còn liên hệ với nhiều yếu tố như miễn dịch, tâm lý và thời tiết. Ngoài ra chàm thể tạng cũng có thể liên quan đến tiền sử mắc các bệnh mãn tính trước đây của bệnh nhân như viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng, hen phế quản,… Bệnh phổ biến nhiều ở trẻ em với mức độ từ 2 – 3%, với người lớn tỉ lệ khoảng 1%.
Chàm thể tạng trẻ nhỏ: (< 2 tuổi )
Dạng chàm thể tạng này còn được gọi là lác sữa. Bệnh chàm thể tạng trẻ nhỏ thường bùng phát khá sớm, trong độ tuổi từ 3 – 6 tháng tuổi. Chàm thể tạng có thể bùng phát ở nhiều vùng da khác nhau như mặt, má, trán, miệng, quanh mắt,… Thương tổn chủ yếu của bệnh là các dấu hiệu nám da, hồng ban, sẩn hóa, mụn nước, rỉ nước, dịch tiết, vảy tiết,… Một số trường hợp chàm thể tạng có thể biến chứng gây ra bội nhiễm da, các vấn đề về nội tạng, nhiễm trùng,…

Chàm thể tạng trẻ em:
Những trường hợp chàm thể tạng trẻ em thường bắt đầu ở trẻ từ giai đoạn 2 tuổi trở lên. Các dấu hiệu phổ biến ở chàm thể tạng trẻ em là thương tổn tại một số vùng da trên cơ thể với triệu chứng hồng ban, nổi sẩn, lichen hóa, có dấu hiệu trợt, đóng vảy tiết, cuối cùng khiến cho da dày lên. Trong thời gian bùng phát chàm thể tạng, một số trẻ còn có thể bị nhiễm khuẩn ngoài da. Ngoài ra, chàm thể tạng ở trẻ em còn có thể có các dấu hiệu phụ đi kèm bao gồm: da bị tái, thường có hai quầng thâm ở mắt, viêm kẽ tai tái đi tái lại,…
Chàm thể tạng người lớn:
Chàm thể tạng ở người lớn thường mạn tính, có thể bùng phát ở nhiều độ tuổi khác nhau, nhưng nhiều nhất là độ tuổi từ 40 – 50 tuổi. Tùy theo tình trạng sức khỏe của từng bệnh nhân mà chàm thể tạng có thể xuất hiện rải rác quanh cổ, khuỷu tay, cổ tay, bàn tay, bàn chân,… Bệnh được cho là có liên quan đến cơ địa, đặc biệt dễ bùng phát ở người có tiền sử mắc các bệnh mạn tính. Chàm thể tạng ở người lớn có thể gây ra các triệu chứng như ngứa dữ dội, trợt da, tróc vẩy, nổi sẩn ngoài da và dần chuyển sang dày da, lichen hóa khi bước vào giai đoạn mãn tính.
Chàm thể tạng ở người lớn trong một số trường hợp có thể biến chứng nhiễm khuẩn, thương tổn lan rộng, có thể biến chứng thành nhiễm khuẩn toàn thân.

Chàm vi trùng:
Chàm vi trùng thường có liên quan đến các yếu tố bên ngoài xâm nhập vào da như nấm, vi trùng,… Hầu hết các trường hợp chàm vi trùng gây ra những thương tổn không đối xứng, trên da của bệnh nhân. Quan sát các thương tổn này có thể thấy giới hạn da một cách rõ ràng. Da còn có thể xuất hiện thêm các dấu hiệu mụn nước, chốc, nhọt, lẹo, hăm kẽ, chốc mép,… Trường hợp nặng có thể có các ổ nhiễm trùng da do vi nấm, vi khuẩn phát triển mạnh.
Chàm tiếp xúc:
Tình trạng chàm tiếp xúc thường bùng phát chủ yếu ở vị trí thượng bì và bì. Phần lớn những trường hợp chàm tiếp xúc thường bùng phát rải rác, khu trú sau đó lan rộng. Nguyên nhân gây ra chàm tiếp xúc có liên quan đến các chất gây dị ứng hoặc các chất gây kích thích với da bên ngoài môi trường. Dạng bệnh này thường bùng phát thành từng đợt cấp tính với các đặc điểm chính như xuất hiện hồng ban, nổi phù sẩn ngoài da, mọc mụn nước hoặc bóng nước trên da. Khi mụn nước, bóng nước vỡ có hiện tượng rịn nước, chảy dịch sau đó đóng vảy tiết.
Chàm tiếp xúc có 2 dạng thường gặp trong cuộc sống là viêm da tiếp xúc dị ứng và viêm da tiếp xúc kích thích. Tỉ lệ chàm tiếp xúc trên thực tế khá cao, dao động từ 1,5 đến 4,5%. Một số yếu tố kích ứng phổ biến ở bệnh chàm tiếp xúc gồm có:
- Các loại hóa chất, dung môi, phẩm màu, phẩm nhuộm trong sinh hoạt, cuộc sống.
- Yếu tố thời tiết, khí hậu, độ ẩm, nhiệt độ,…
- Một số loại côn trùng, các loại động vật gây kích ứng, lông vật nuôi, phấn hoa,…
- Một số chất liệu dễ kích ứng như cao su, nhựa, latex, kim loại,…
- Một số loại thuốc, hoạt chất trong thuốc.
Chàm da mỡ (chàm tiết bã):
Chàm da mỡ hay chàm da tiết bã thường gặp nhiều ở những bệnh nhân có da nhờn hoặc các vùng da của bệnh nhân có hoạt động tiết bã nhiều hơn mức bình thường. Bệnh chàm tiết bã thường gặp chủ yếu ở một số vị trí như:
- Da đầu.
- Vùng da phía sau tai.
- Phần tai ngoài.
- Vùng mặt.
- Một số vùng da có nếp gấp trên cơ thể.
Chàm da tiết bã có thể bùng phát ở người lớn và trẻ nhỏ. Tỉ lệ bệnh chàm da tiết bã dao động từ 2 – 5% dân số, tùy theo khu vực. Bệnh thường tiến triển xấu đối với những khu vực có khí hậu lạnh và khô.

Đối với chàm da tiết bã ở trẻ nhỏ thường xảy ra vào khoảng tuần tuổi thứ 6 – tuần thứ 8 với các vảy tiết màu vàng tại một số vùng da đã kể trên, ngoài da còn có thêm vùng da quấn tã ở bẹn. Một số trường hợp vảy tiết cũng rải rác trên thân. Đa số những trường hợp phát ban trên da thường xuất hiện chủ yếu trước 3 tháng tuổi. Những trường hợp ban đỏ trên da xuất hiện các vảy mịn. Trẻ có thể bị ngứa nhẹ hoặc không ngứa. Sau một thời gian có thể tự khỏi nhưng cũng có thể tái phát.
Chàm da tiết bã ở người lớn thường khởi phát chủ yếu trong độ tuổi từ 18 – 40 tuổi. Đa số những dấu hiệu chàm da tiết bã ở người lớn thường nhờn, tăng tiết bã ở nhiều vùng da trên cơ thể. Nếu xuất hiện trên da thì có thể gây ra tăng tiết gàu. Bệnh có xu hướng dễ lan rộng, dai dẳng, một số trường hợp có thể kéo dài nhiều năm.
Chàm tổ đỉa:
Chàm dạng tổ đỉa là một trong những dạng thương tổn trên da dai dẳng, dễ tiến triển thành dạng mạn tính, hay tái phát nhiều lần. Đặc trưng chủ yếu của bệnh là các mụn nước ở sâu, cộm dưới da, xuất hiện ở lòng bàn tay, các ngón tay và lòng bàn chân, nhất là vùng cạnh bàn tay bàn chân, đầu các ngón và rìa các ngón. Hầu hết các trường hợp chàm tổ đỉa không vượt quá vùng cổ tay, cổ chân. Người bị chàm tổ đỉa thường có cảm giác ngứa ngáy, khó chịu, hay gãi.

Những trường hợp chàm tổ đỉa liên quan chủ yếu đến một số yếu tố như:
- Yếu tố cơ địa, thể tạng của bệnh nhân.
- Người bệnh nhiễm nấm, nhiễm khuẩn.
- Một số yếu tố trong môi trường sống, khí hậu, tình trạng ô nhiễm,…
Có thể nói các thể lâm sàng của bệnh chàm là rất đa dạng. Do đó việc phân loại và nhận biết những thể lâm sàng của bệnh chàm không chỉ giúp phát hiện sớm bệnh mà còn đem lại nhiều lợi ích trong điều trị cho bệnh nhân. Hi vọng một số thông tin trên đây có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về các ảnh hưởng của bệnh chàm và có hướng xử lý phù hợp.
Một số thông tin về bệnh chàm
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!