Tần suất bùng phát các triệu chứng viêm da tiếp xúc thường gặp trên thế giới khá phổ biến, thường từ 1,5 – 5,4% dân số trên toàn thế giới. Đây là một trong những dạng viêm da khá phổ biến, có thể mắc phải ở mọi người, mọi nghề nghiệp, độ tuổi, giới tính.

Khi viêm da tiếp xúc bùng phát, các triệu chứng thường xảy ra rất nhanh trên da của bệnh nhân kể từ thời điểm tiếp xúc. Việc nhận biết sớm các triệu của bệnh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong điều trị bởi càng nhận biết các triệu chứng của bệnh từ sớm thì việc điều trị càng đạt hiệu quả tối ưu hơn. Bệnh nhân cũng tránh được tình trạng bệnh kéo dài ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, sinh hoạt, đời sống.

các triệu chứng viêm da tiếp xúc thường gặp
Các triệu chứng viêm da tiếp xúc thường gặp

Các triệu chứng viêm da tiếp xúc thường gặp

Sau khi tiếp xúc với các yếu tố kích ứng da, các triệu chứng viêm da tiếp xúc sẽ bùng phát khá nhanh, sau khoảng vài chục phút đến vài giờ. Một số trường hợp triệu chứng bùng phát chậm có thể xuất hiện trên da sau 48 giờ từ thời điểm tiếp xúc.

Thống kê cho thấy có đến hơn 3700 yếu tố kích ứng (dị nguyên) có thể góp phần gây ra viêm da tiếp xúc. Người có cơ địa mẫn cảm, dị ứng với các dị nguyên này khi tiếp xúc với da sẽ bùng phát các triệu chứng theo nhiều mức độ khác nhau.

Để đánh giá mức độ thương tổn do viêm da tiếp xúc, có khá nhiều cách phân loại triệu chứng. Việc phân loại chị tiết giúp cho điều trị đạt hiệu quả đúng hướng và như mong muốn.

1. Phân loại triệu chứng theo mức độ

Viêm da tiếp xúc khi có các triệu chứng bùng phát trên da thường tiến triển theo 3 mức độ là cấp tính, bán cấp và mạn tính. Mỗi mức độ đều có những triệu chứng điển hình riêng biệt.

Triệu chứng viêm da tiếp xúc cấp tính

Bệnh nhân thường bùng phát các đợt viêm da trong thời gian ngắn sau khi tiếp xúc với yếu tố kích ứng. Những triệu chứng phổ biến nhát khi bị viêm da tiếp xúc cấp tính gồm có:

  • Xuất hiện triệu chứng da đỏ rất nhanh sau khi tiếp xúc với yếu tố lạ.
  • Mảng da nổi dát đỏ lan rộng, ranh giới vùng da kích ứng và vùng da thường có thể phân biệt rõ ràng.
  • Tại rìa của mảng da đỏ nổi phù nề.
  • Trên bề mặt da xuất hiện các dấu hiệu sẩn, mụn nước. Các mụn nước này có thể hợp với nhau thành các mảng mụn lớn hơn.
  • Khi mụn nước bị vỡ thì có thể rỉ dịch tiết trên da và đóng vảy tiết trên da.
  • Xuyên suốt thời gian viêm da tiếp xúc đợt cấp tính sẽ có các dấu hiệu ngứa ngáy dai dẳng, kéo dài.
triệu chứng viêm da tiếp xúc cấp tính
Triệu chứng viêm da tiếp xúc cấp tính

Triệu chứng viêm da tiếp xúc bán cấp

Với những bệnh nhân viêm da tiếp xúc dạng bán cấp, các triệu chứng ngoài da cũng tương đối giống với triệu chứng trong giai đoạn cấp tính. Tuy nhiên cũng có một số điểm khác biệt nhất định.

  • Xuất hiện các mảng dát đỏ nhẹ tương tự như các đợt cấp tính, kích thước mảng dát đỏ thường nhỏ.
  • Trên mảng da dát đỏ có thể có kèm theo các vảy da khô nhỏ. Đặc điểm này không có ở giai đoạn cấp tính.
  • Một số trường hợp viêm da tiếp xúc bán cấp cũng có thể xuất hiện các đốm đỏ nhỏ rải rác trên da hoặc có những sẩn chắc, hình tròn trên vùng da bị viêm.

Triệu chứng viêm da tiếp xúc mãn tính

Người bị viêm da tiếp xúc mãn tính đa phần là những trường hợp bệnh tiến triển đã lâu, có xu hướng tái đi tái lại nhiều lần. Sau một thời gian có các đợt cấp tính, bán cấp sẽ có xu hướng chuyển sang mãn tính. Viêm da tiếp xúc mãn tính sẽ có những triệu chứng đặc trưng như:

  • Da có dấu hiệu bị dày, lichen hóa.
  • Trên da của bệnh nhân còn có thể hình thành các nếp da sâu có dạng hình thoi hoặc đường kẻ song song.
  • Sau một thời gian da dày, lichen hóa có thể xuất hiện các triệu chứng bong vảy da.
  • Rải rác trên da còn có thể có các sẩn vệ tinh, nhỏ, chắc, hình tròn, phẳng,
  • Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể có những vết trầy xước, dát đỏ và nhiễm sắc tố.
triệu chứng viêm da tiếp xúc mãn tính
Triệu chứng viêm da tiếp xúc mãn tính

2. Phân loại triệu chứng thể lâm sàng theo vị trí

Ở một số bệnh nhân viêm da tiếp xúc, những triệu chứng thể lâm sàng theo vị trí cũng có những đặc điểm riêng biệt tùy theo từng vùng da mắc bệnh. Những triệu chứng viêm da tiếp xúc dị ứng theo từng vị trí gồm có:

  • Viêm da tiếp xúc dị ứng vùng da đầu: thường có các triệu chứng ửng đỏ ngoài da, bong vảy khô. Đôi khi có vảy nhỏ, li ti như bụi phấn. Đa số những trường hợp viêm da tiếp xúc dị ứng vùng da đầu gây ngứa nhiều, thường bị nhầm với tình trạng gàu da đầu.
  • Viêm da tiếp xúc dị ứng vùng mặt: bệnh nhân thường có một số dấu hiệu đặc trưng như da tiết dịch, có mụn nước, đỏ nề và ngứa ngáy thường xuyên. Ngoài ra bệnh nhân cũng có thể gặp một số triệu chứng phụ như mụn, mủ, tăng độ nhờn trên da.
  • Viêm da tiếp xúc dị ứng mí mắt: những trường hợp bệnh bùng phát ở vùng mí mắt thường có tình trạng phù nề trên mí mắt. Một số bệnh nhân có thể kèm theo viêm kết mạc trong thời gian mắc bệnh.
  • Viêm da tiếp xúc dị ứng vùng môi: đa số bệnh nhân có triệu chứng ngứa, khó chịu, thương tổn đỏ da và bong vảy khô, tróc môi. Khi bong tróc kéo dài có thể khiến môi nứt, tiết dịch, có khi rướm máu. Phù nề và sưng môi cũng có thể xảy ra ở bệnh nhân nhưng thường hiếm gặp.
  • Viêm da tiếp xúc dị ứng vùng dái tai: các triệu chứng viêm ở vùng dái tai thường khô da, bong vảy nhẹ. Một số trường hợp có xuất hiện mụn nước tại vị trí dái tai, kèm theo tiết dịch, bội nhiễm.
  • Viêm da tiếp xúc dị ứng ở tay, chân: các triệu chứng viêm da tiếp xúc ở tay và chân thường có dấu hiệu khô, bong tróc da, đôi khi có mụn nước, tiết dịch. Một số trường hợp có kèm theo thương tổn móng.
viêm da tiếp xúc ở dái tai
Triệu chứng viêm da tiếp xúc ở dái tai

Làm gì khi có các triệu chứng viêm da tiếp xúc

Đối với bệnh viêm da tiếp xúc cũng như nhiều bệnh ngoài da khác, việc can thiệp, điều trị sớm là rất quan trọng. Do đó khi có các dấu hiệu ban đầu nghi ngờ viêm da tiếp xúc như đỏ da, mụn nước li ti, ngứa,… bạn nên đến các cơ sở y tế để được hướng dẫn can thiệp sớm và có hướng điều trị phù hợp.

Ngoài ra, sau khi vừa tiếp xúc với các yếu tố mà bạn đã biết là cơ thể mình có thể bị kích ứng thì nên áp dụng các biện pháp xử lí ban đầu để tránh làm cho tình trạng da nặng thêm:

  • Bước 1: Ngưng tiếp xúc với các yếu tố kích ứng này ngay. Với các loại hóa chất, chất lỏng cần cẩn thận không để chúng dây ra các vùng da khác. Với các yếu tố kích ứng khác, dùng khăn mềm để lau, phủi chúng ra khỏi da.
  • Bước 2: Rửa vùng da vừa tiếp xúc với yếu tố kích ứng bằng nước sạch mát hoặc nước muối loãng. Không được dùng nước nóng.
  • Bước 3: Thăm khám sớm để cải thiện tình trạng viêm da tiếp xúc.
xử lí ban đầu khi bị viêm da tiếp xúc
Xử lí ban đầu khi bị viêm da tiếp xúc

Phương pháp phòng ngừa viêm da tiếp xúc

Tuy không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nhưng viêm da tiếp xúc gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, để lại những ảnh hưởng khó chịu trên da của bệnh nhân . Do đó việc phòng ngừa viêm da tiếp xúc cả khi chưa mắc bệnh lẫn phòng ngừa tái phát sau khi đã điều trị đều rất quan trọng đối với sức khỏe bệnh nhân. Khi phòng ngừa viêm da tiếp xúc, bạn cần chú ý một số lưu ý sau đây:

1. Chú ý tránh các yếu tố tiếp xúc với da

Nguyên tắc hàng đầu trong phòng tránh tái phát viêm da tiếp xúc là tránh cho da tiếp xúc với các yếu tố dễ gây kích ứng bởi đây là nguyên nhân gây bùng phát viêm da tiếp xúc. Bạn cần chú ý tuân thủ một số nguyên tắc phòng tránh bao gồm:

  • Hạn chế tiếp xúc với các hóa chất dễ gây kích ứng da. Đặc biệt là những hóa chất có tính kiềm, tính acid mạnh như các loại dung dịch tẩy rửa, dung môi, các loại xăng dầu, sơn, một số hoát phẩm khác. Nếu cần sử dụng thì bạn nên có trang phục bảo hộ, găng tay,… để các chất này không tiếp xúc với da.
  • Khi thời tiết thay đổi, nếu da bạn bị mẫn cảm, dể kích ứng thì cần chú ý bảo vệ da tránh các yếu tố thời tiết bất lợi.
  • Hạn chế tiếp xúc với các tác nhân dễ gây dị ứng như: khói, bụi, nguồn nước, đất ô nhiễm. Nên tránh tiếp xúc với một số yếu tố như lông động vật, phấn hoa, các loại hóa chất công nghiệp, kim loại,… nếu bạn có tiền sử dị ứng với các yếu tố này.
phòng ngừa viêm da tiếp xúc
Mang bao tay giúp phòng ngừa viêm da tiếp xúc cũng như tránh các yếu tố tác động trực tiếp đến da

2. Chăm sóc da và vệ sinh

Đây là thao tác quan trọng không chỉ giúp phòng tránh viêm da tiếp xúc mà còn giúp bạn phòng ngừa được các bệnh ngoài da khác có thể ảnh hưởng xấu cho làn da:

  • Thường xuyên vệ sinh cơ thể, rửa chân, tay sạch sẽ.
  • Giữ ấm cơ thể vào những ngày thời tiết chuyển mùa.
  • Chú ý vệ sinh da với nước ấm, không sử dụng nước nóng.
  • Khi tắm cũng nên chú ý không tắm quá lâu.
  • Sử dụng các loại sản phẩm chăm sóc da phù hợp với làn da của bạn, không nên dùng các sản phẩm chăm sóc da có tính kiềm, acid cao.

3. Chú ý chế độ dinh dưỡng

Tăng cường sức đề kháng cho cơ thể như các loại vitamin C, E, A, D,..Các loại rau xanh, trái cây, là những thực phẩm các chuyên gia khuyên dùng khi mắc bệnh viêm da. Đây là những thực phẩm lành tính, ít gây dị ứng, đồng thời giúp cung cấp nhiều dưỡng chất cần thiết cho da.

Bạn cũng nên kiêng một số loại thực phẩm có thể gây kích ứng da như hải sản, một số loại thịt, một số loại đậu, rượu bia, chất kích thích,… Đặc biệt cần tránh những thực phẩm mà trước đây cơ thể đã có tiền sử bị kích ứng. Có thể tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng về tình trạng bệnh và chế độ dinh dưỡng phù hợp.

chế độ dinh dưỡng với người bị viêm da tiếp xúc
Chế độ dinh dưỡng là yếu tố rất quan trọng với người bị viêm da tiếp xúc

4. Một số lưu ý khác

  • Sử dụng quần áo thoáng mát dễ thấm hút như cotton, lụa,…
  • Hạn chế gãi, chà xát mạnh khiến cho làn da bị tổn thương, xây xát, tạo điều kiện cho nhiều bệnh ngoài da.

Nhận biết rõ các triệu chứng viêm da tiếp xúc thường gặp có thể giúp bạn can thiệp sớm các triệu chứng khởi phát của bệnh. Càng điều trị sớm, viêm da tiếp xúc càng ít để lại biến chứng trên da. Hi vọng với một số triệu chứng trên bạn có thể nhận biết sớm, điều trị kịp thời giúp đạt hiệu quả điều trị tối ưu nhất. Chúc bạn có nhiều sức khoẻ.

Hiểu thêm về bệnh viêm da tiếp xúc:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *