Trang Chủ » BỆNH CHỐC LỞ » Bé bị chốc lở nên bôi thuốc gì?
Bé bị chốc lở nên bôi thuốc gì?
Chốc lở là một trong những bệnh ngoài da khá phổ biến ở trẻ, đặc biệt là trẻ trong độ tuổi mẫu giáo, tiểu học. Thắc mắc thường gặp của phụ huynh là bé bị chốc lở nên bôi thuốc gì? Cách chăm sóc ra sao. Dưới đây là một số thông tin để giúp bạn trả lời những thắc mắc này.

Vài nét về bệnh chốc lở ở trẻ
Theo Ths, Bác sĩ Phạm Thị Mai Hương (Bệnh viện Nhi Trung ương) bệnh chốc lở là một trong những bệnh nhiễm trùng ngoài da phổ biến nhất ở trẻ em. Nguyên nhân chính gây ra tình trạng chốc lở là do các loại vi khuẩn như tụ cầu khuẩn và khuẩn liên cầu. Các nhóm vi khuẩn này thường chiếm khoảng 90% các trường hợp chốc lở ở trẻ. Tỉ lệ bệnh chốc lở thường thay đổi theo mùa, trong đó những mùa thời tiết nóng tình trạng bệnh chốc lở thường tăng lên. Ghi nhận của Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết tỉ lệ bệnh chốc lở trung bình chiếm khoảng 10% những trường hợp bệnh ở trẻ.
Nhiều phụ huynh thường hay nhầm lẫn giữa bệnh chốc lở và bệnh thủy đậu. Tuy nhiên đây là hai căn bệnh khác nhau. Những trẻ bị bệnh chốc lở thường có một số dấu hiệu nhận biết theo 2 dạng, chốc có bọng nước và chốc không có bọng nước:
1. Dấu hiệu chốc có bọng nước trên da
- Bọng nước do bệnh chốc lở gây ra thường nổi nhiều bọng nhỏ trên một vùng da đỏ, kích thước trong khoảng từ 0,5 – 1 cm.
- Xuất hiện các bọng nước trên da, quanh vùng da có bọng nước cũng xuất hiện các quầng đỏ. Những mụn nước này sau một thời gian cũng có tình trạng mụn nước trong chuyển dần sang đục.
- Các bọng nước này sau một thời gian sẽ vỡ ra, xuất hiện các vảy tiết có màu vàng nâu hoặc nâu vàng.
- Những dấu hiệu bọng nước trên da do bệnh chốc lở sau khi khỏi sẽ không để lại tình trạng sẹo trên da.
- Thông thường mụn nước trên da thường gặp nhiều ở các vùng da như mặt, tay chân, đôi khi xuất hiện tại vùng da đầu, vảy tiết.
- Trong thời gian này, bệnh nhân cũng có dấu hiệu viêm các hạch, ngứa ngáy, gãi ngoài da.
2. Dấu hiệu chốc không có bọng nước trên da
- Da của trẻ bị chốc không có bọng nước cũng xuất hiện khởi đầu với dấu hiệu đỏ da từng mảng khoảng 0,5 – 1 cm. Da của bệnh nhân cũng sẽ nhanh chóng tạo thành các bọng nước.
- Người bị nổi mụn nước cũng có dấu hiệu ẩm ướt do tiết dịch. Xung quanh vị trí thương tổn có các vẩy ngoài da nên dễ nhầm với một số bệnh vẩy da, nấm da.
- Ở trên các vảy tiết sau một thời gian cũng bắt đầu đóng vảy tiết với các quầng đỏ bao quanh vị trí thương tổn.
- Tùy theo tình trạng chốc ở bệnh nhân mà tình trạng bệnh có thể kéo dài trong thời gian từ 2 – 3 tuần. Mặc dù vậy một số trường hợp cũng có thể kéo dài, gây khó chịu.

Bé bị chốc lở nên bôi thuốc gì?
Khi bị chốc lở trên da, phụ huynh cần xử lí đúng cách để cải thiện tình trạng chốc lở. Thông thường, phụ huynh khi phát hiện các dấu hiệu chốc lở ở trẻ cần thực hiện các bước xử lí ban đầu đồng thời kết hợp các biện pháp điều trị phù hợp theo hướng dẫn của bác sĩ:
1. Hướng xử lí ban đầu
- Rửa sạch vùng da bị chốc cho trẻ, sử dụng kèm theo thuốc tím pha loãng (1/10,000) để vệ sinh da.
- Sau khi vệ sinh da theo các hướng xử lí ban đầu, phụ huynh cần đưa bé đến bệnh viện, các cơ sở y tế để có hướng điều trị phù hợp.
- Đồng thời do bệnh chốc lở là bệnh có khả năng lây nên phụ huynh cũng cần chú ý cách ly trẻ trong thời gian bị bệnh để tránh lây nhiễm.
2. Hướng điều trị cụ thể
- Đối với trường hợp nhẹ, bệnh nhân có thể được bác sĩ chỉ định điều trị tiếp tục bằng dung dịch thuốc tím tỉ lệ 1/10,000 và dung dịch nước muối sinh lý NaCl 0,9%.
- Bệnh nhân cũng có thể được chỉ định sử dụng một số thuốc bôi ngoài da dạng mỡ hoặc dạng kem bôi. Trong đó phổ biến nhất là thuốc kháng sinh như acid fusidic (Fucidin, Foban). Đồng thời bệnh nhân cũng có thể được chỉ định nhóm thuốc Mupirocin (Bactroban).
- Nhóm thuốc sát khuẩn ngoài da như dung dịch xanh methylen, thuốc betadine cũng có thể được chỉ định sử dụng phối hợp để cải thiện tình trạng nhiễm khuẩn ngoài da.
- Đối với những trường hợp ngứa ngáy do chốc lở có thể được chỉ định điều trị bằng các loại thuốc kháng histamine để giảm triệu chứng ngứa, khó chịu.
Đối với điều trị chốc lở ở trẻ, phụ huynh cần chú ý cho bé thăm khám sớm để tránh những ảnh hưởng không mong muốn cho sức khỏe của bé. Đồng thời, khi bị chốc lở, việc sử dụng các loại thuốc bôi ngoài, thuốc điều trị dạng uống,… cần theo đúng chỉ định của bác sĩ để cải thiện tình trạng chốc lở một cách hiệu quả nhất.
Hiểu thêm về bệnh chốc lở
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!