Viêm nang lông là một trong những bệnh ngoài da đặc biệt khó chịu và dễ mắc phải. Tuy nhiên nhiều bệnh nhân chưa thật sự hiểu rõ bệnh viêm nang lông là gì? Từ đó dẫn đến khó khăn trong điều trị bệnh và gây ra những nhầm lẫn với các bệnh ngoài da khác.

bệnh viêm nang lông là gì
Bệnh viêm nang lông là gì?

Đại cương về bệnh viêm nang lông

1.Bệnh viêm nang lông là gì?

Bệnh viêm nang lông (folliculitis) là một dạng thương tổn ngoài da đặc biệt xảy ra ở vùng lỗ chân lông. Bệnh có thể gây ra viêm ở dạng nông tại một hoặc nhiều nang lông, đa số trường hợp xảy ra trên một vùng da. Không giới hạn độ tuổi mắc phải bệnh viêm nang lông nên hầu như ai cũng có thể là nạn nhân của bệnh viêm nang lông. Tuy nhiên thống kê cho thấy tỉ lệ người trẻ, nhất là thanh thiếu niên thường dễ bị viêm nang lông hơn so với người trưởng thành.

2. Nguyên nhân và các yếu tố gây bệnh viêm nang lông

Nguyên nhân chính gây ra bệnh viêm nang lông đến từ các yếu tố xâm nhập bên ngoài tác động vào da. Điển hình nhất là các loại vi khuẩn, virus, nấm, các loại trực khuẩn,…. Có thể kể ra một số nguyên nhân chủ yếu bao gồm:

  • Sự xâm nhập của trực khuẩn mủ xanh Pseudomonas aeruginosa.
  • Ảnh hưởng của tụ cầu vàng.
  • Một số loại vi nấm như nấm Malassezia folliculitis, nấm Trichophyton rubrum và một số vi nấm khác.
  • Ảnh hưởng của virus herpes simplex khi xâm nhập vào vùng miệng, quanh miệng cũng có thể gây ra tình trạng viêm nang lông quanh miệng.
  • Ngoài ra tình trạng viêm nang lông còn có thể liên quan đến một số vấn đề như tăng bạch cầu ái toan do bệnh nhân có các vấn đề làm suy giảm miễn dịch.

Khi các yếu tố này xuất hiện, bệnh nhân sẽ có một tỉ lệ nhất định nguy cơ bị viêm nang lông. Không chỉ vậy, nếu có thêm các yếu tố thuận lợi thì tình trạng viêm nang lông sẽ càng xảy ra nhanh hơn. Điển hình là một số yếu tố như:

  • Da bị ẩm ướt do tiết mồ hôi nhiều, bản thân bệnh nhân bị tăng tiết mồ hôi, thời tiết nóng bức hoặc mặc quần áo chật. Đây là điều kiện để viêm nang lông cũng như nhiều bệnh ngoài da phát triển.
  • Người chăm sóc da không đúng cách, thường tẩy lông bằng dao cạo hoặc waxing, dùng các loại corticoid thoa ngoài da tùy tiện, không đúng chỉ dẫn cũng có thể khiến cho da dễ bị tổn thương.
  • Một số trường hợp bệnh nhân có các vấn đề về cơ địa như tiểu đường, chàm thể tạng có thể làm tăng thêm nguy cơ bị các bệnh ngoài da như viêm nang lông do hệ miễn dịch bị suy yếu.
vi khuẩn xâm nhập gây viêm nhiễm lỗ chân lông
Sự xâm nhập của vi khuẩn sẽ khiến lỗ chân lông bị viêm nhiễm

3. Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm nang lông

Thông thường, viêm nang lông có thể được chẩn đoán bằng một số triệu chứng lâm sàng cũng như chẩn đoán phân biệt để tránh nhầm lẫn với một số bệnh ngoài da khác.

Ở người bị viêm nang lông, thường có một số thương tổn rất điển hình trên da, bao gồm:

  • Dấu hiệu sẩn nhỏ rải rác trên nang lông kèm theo tình trạng ngứa ngáy râm ran.
  • Các tổn thương này sẽ bắt đầu đóng vảy tiết không đau trên da.
  • Vị trí viêm nang lông thường tập trung nhiều tại các vị trí tiết nhờn nhiều như đầu, mặt, cổ, lưng, các vùng da rậm lông như tay chân, vùng sinh dục,… Bệnh không xuất hiện tại lòng bàn tay, lòng bàn chân.
  • Sau khi tiến triển vài ngày, các tổn thương trên da có thể lặn dần. Viêm nang lông sau khi biến mất sẽ không để lại sẹo nhưng có thể gây ra tình trạng thâm da.
  • Tùy theo tình trạng viêm nang lông ít hay nhiều mà các triệu chứng có thể dài ngắn khác nhau.

4. Xử lý và điều trị viêm nang lông

Hướng điều trị phổ biến đối với bệnh viêm nang lông là sát khuẩn ngoài da, loại bỏ các tác nhân gây viêm. Đồng thời bệnh nhân cũng được hướng dẫn các biện pháp chăm sóc, bảo vệ da để đảm bảo sức khỏe.

Những loại thuốc thường được sử dụng trong điều trị viêm nang lông bao gồm:

  • Các dung dịch sát khuẩn ngoài da như Povidon-iodin, Hexamidine, Chlorhexidine.
  • Những trường hợp cần điều trị bằng kháng sinh có thể được chỉ định sử dụng kem hoặc mỡ acid fucidic, kem silver sulfadiazin hoặc mỡ neomycin,…
  • Một số loại dung dịch bôi ngoài da như erythromycin, clindamycin,… cũng có thể được chỉ định sử dụng để làm sạch da.
  • Một số trường hợp bệnh nhân nhiễm khuẩn có thể được điều trị kết hợp với kháng sinh dùng uống hoặc truyền tĩnh mạch.

Tùy theo mức độ viêm nang lông, thời gian điều trị của bệnh nhân cũng có thể khác nhau. Thông thường, điều trị viêm nang lông có thể dao động từ 7 – 10 ngày. Một số trường hợp nhiễm nấm có thể kéo dài hơn.

điều trị viêm nang lông cần đúng cách
Điều trị viêm nang lông cần phải đúng cách, đúng chỉ định của bác sĩ để tránh những ảnh hưởng xấu cho sức khỏe làn da

5. Một số biện pháp phòng ngừa viêm nang lông

Song song với việc điều trị bằng thuốc, áp dụng các biện pháp phòng ngừa viêm nang lông cũng rất quan trọng và cần thiết. Để tránh mắc phải viêm nang lông, nhất là trong mùa nóng, bạn cần chú ý một số biện pháp sau:

  • Không để da bị đổ mồ hôi nhiều, ẩm ướt vì sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Cần chú ý vệ sinh da, thay trang phục thường xuyên.
  • Không mặc các loại quần áo dày, bí, nóng và dễ cọ xát vì sẽ làm cho viêm nang lông dễ xảy ra hơn.
  • Vệ sinh da thường xuyên và đúng cách để ngăn ngừa viêm nang lông phát triển.
  • Người có tiền sử viêm nang lông cần vệ sinh vùng da rậm lông thường xuyên, có thể cắt ngắn để dễ vệ sinh, làm sạch.
  • Người tiếp xúc gần với bệnh nhân viêm nang lông có thể sử dụng một số thuốc dự phòng theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh vi khuẩn xâm nhập.

Viêm nang lông là bệnh ngoài da có thể gây ra nhiều ảnh hưởng xấu cho da cũng như thẩm mỹ của bệnh nhân. Do đó điều trị sớ và đúng cách đặc biệt quan trọng, giúp can thiệp sớm và ngăn ngừa những biến chứng do bệnh gây ra. Chúc bạn sớm cải thiện tình trạng viêm nang lông.

Hiểu thêm về bệnh viêm nang lông

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *